Một địa chỉ văn hóa tâm linh

 
(Xứ Nghệ) - Trong tổng thể dự án xây dựng trung tâm lịch sử văn hóa – du lịch Kim Liên và thực thi dự án bảo tồn, tôn tạo khu mộ Cụ bà Hoàng Thị Loan, gắn với tiềm năng du lịch vốn có của Xứ Nghệ đã mở ra cho mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này sớm trở thành một vùng văn hóa, du lịch trọng điểm của Bắc miền Trung.
Các vị lão thành cách mạng kể lại rằng: “…Bà Hoàng Thị Loan mất năm 1901 tại kinh đô Huế. Lúc đầu thi hài bà được an táng tại núi Ba Tầng, trên dãy Ngự Bình (TP Huế). Năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh - con gái đầu lòng của bà đã đưa hài cốt của mẹ về táng trong khu vườn ở làng Sen. Cuối năm 1941, sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã đi khắp quê hương Nam Đàn tìm nơi có phong cảnh đẹp để an táng hài cốt của mẹ là bà Hoàng Thị Loan. Ông Khiêm đã chọn được một vị trí ở núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ, thuộc làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang) huyện Nam Đàn.
Du khách về dâng hương tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan 
Một ngày đầu tháng Ba năm Nhâm Ngọ (1942), ông Cả Khiêm biện lễ đến xin phép lý trưởng làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang) rồi dẫn hai cha con ông Nguyễn Luật và Nguyễn Luận lên đào 9 cái huyệt rải rác ở khắp sườn núi Động Tranh. Đêm về khuya, một mình ông Cả Khiêm lặng lẽ mang hài cốt mẹ (bà Hoàng Thị Loan) từ vườn nhà lên Động Tranh, an táng xuống một trong 9 huyệt đã đào sẵn. Sáng hôm sau, hai cha con ông Luật chỉ việc đắp bồi thêm cho cả 9 huyệt giống nhau, chứ không biết hài cốt của Cụ được an táng ở huyệt nào...”. Sau Cách mạng Tháng Tám, khi ra gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội về, ông Cả Khiêm mới dẫn bà con trong họ lên Động Tranh chỉ ngôi mộ mẹ mình yên nghỉ”…
Ngày 19-5-1984, Lữ đoàn công binh Hải Vân được Bộ tư lệnh Quân khu 4 giao nhiệm vụ khởi công tôn tạo khu mộ bà Hoàng Thị Loan theo Quyết định 03/NQ.TU của Thường vụ Tỉnh ủy. Chỉ sau một năm, công trình được hoàn thành. Mộ bà Hoàng Thị Loan đã trở thành điểm hẹn văn hóa tâm linh đặc biệt của hàng triệu khách trong nước, ngoài nước về dâng hương với lòng thành kính biết ơn. Ông Nguyễn Vương Lộc, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An, Trưởng ban quản lý dự án “Bảo tồn tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch” cho biết: “Dự án bảo tồn, tôn tạo phần mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trong tổng thể khu di tích Kim Liên, đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 18-7-2003, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi đặc điểm, vị thế và những giá trị của di tích Kim Liên trong đời sống chính trị, xã hội của tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Trong quá trình thực hiện, có 2 phương án thiết kế của Công ty tư vấn Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được lựa chọn, xin ý kiến của nhân dân cả nước. Đến 21-7-2010 công trình đã chính thức được khởi công”.
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan được bảo tồn, tôn tạo rộng 65,2ha. Bà con trong và ngoài nước lên viếng mộ bà phải đi theo một đường vòng cung dài 1.260m qua rặng thông xanh, khi kết thúc quy trình thăm viếng, lên xuống 511 bậc. Du khách không khỏi xúc động trước 33 đóa sen bằng đá, nhụy sen là ánh điện tỏa sáng lung linh (tượng trưng cho 33 năm suốt cuộc đời trôi nổi, muôn phận đắng cay của bà Hoàng Thị Loan vì chồng, vì con). Ngôi mộ bà vẫn được giữ nguyên tại nơi ông Cả Khiêm cát táng năm 1942. Phần mộ được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối, được chạm trổ cách điệu của một bông sen. Với vóc dáng một bông hoa sen, mái che (ba phần, phần giữa nhô cao hơn) thông thoáng âm dương, mang dáng mái đình cổ xưa được cách điệu theo khung cửi dệt vải, lụa, một công cụ lao động tiêu biểu gắn bó với cuộc đời bà Hoàng Thị Loan. Phần đầu đao trên cũng tượng trưng cho con thoi dệt vải, lụa. Hai cụm hoa giấy được cắt tỉa gọn đẹp là tấm lòng của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Đồng Tháp và Bình Trị Thiên trồng vào dịp làm lễ khánh thành khu mộ lần thứ nhất (ngày 16-5-1985). Sân hành lễ trước mộ với diện tích 200m2. Mặt sân và các bậc thang lên xuống được ốp bằng đá tự nhiên, lan can bao quanh sân được chạm trổ hình hoa sen nở. Trong khu sân hành lễ có dựng hai tấm bia lớn bằng đá đen, một tấm khắc tiểu sử bà Hoàng Thị Loan, một tấm khắc nội dung quá trình bảo tồn, tôn tạo khu mộ.
Công viên Đại Huệ thoáng đãng mở ra dưới chân núi Động Tranh đã được nhân lên từ một nghìn sáu trăm hai mươi cây ăn quả, cây lấy gỗ, tre trúc là tình cảm hướng về cội nguồn của Đảng bộ nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về trồng lưu niệm.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2011), dự án bảo tồn, tôn tạo khu mộ Cụ bà Hoàng Thị Loan được Đảng bộ - Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức trọng thể lễ khánh thành, đã trở thành địa chỉ lịch sử, văn hóa - tâm linh đặc biệt, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân trong cả nước và du khách nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phút Tưởng Niệm Các Anh Hùng Liệt Sỹ


Tin Nóng An Ninh Hình Sự

Thông Tin Giải Trí Ấn Tượng

Cười Xả Láng