Những hiện tượng độc đáo trong khoa bảng xứ Nghệ

Xứ Nghệ - một trong những địa phương được cả nước tôn vinh là nhân dân có truyền thống hiếu học và khổ học. Cũng vì thế mà xứ Nghệ là nơi sản sinh ra câu ca:“Sáng khoai, trưa khoai, tối khaoi, khoai ba bữa Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nh�
Xứ Nghệ - một trong những địa phương được cả nước tôn vinh là nhân dân có truyền thống hiếu học và khổ học. Cũng vì thế mà xứ Nghệ là nơi sản sinh ra câu ca:
“Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa
Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”
Nhờ sự thành đạt ngày càng cao trong học tập và thi cử chữ Hán mà các thế hệ tiền nhân đã làm cho Xứ Nghệ từ một vùng trại, biền viễn, phiên dậu phía nam của tổ quốc dưới thời Lý, Trần đã trở thành một vùng văn hóa dưới thời Lê, rồi nổi tiếng đậm đà sắc thái Xứ Nghệ dưới thời Nguyễn.
Trong suốt quá trình thi trí, đua tài trong khoa cử Nho sinh Xứ Nghệ đã là nên nhiều hiện tượng độc đáo, đáng tự hào, đã làm cho bề dày truyện thống hiếu học ngày càng được bồi đắp thêm.
1. Trang trại Nguyên Bạch Liêu, người mở đầu khoa bảng Xứ Nghệ
Khoa thi chữ Hán đầu tiên ở nước ta là khoa “Minh Kinh bác học” mở vào năm Ất Mão (1075) dưới thời vua Lý Nhân Tông. Khoa thi này trên bảng vàng chưa có người Xứ Nghệ. Phải đợi tới 191 năm sau, đến khoa thi Bính Thìn (1266) dưới thời Trần, Bạch Liêu mới dành được ngôi đầu bảng: Trại Trạng Nguyên.
Sách “Đại Việt tiên biên” ghi: “ Tháng 3, mở khoa thi chọn học trò, cho Trần Cố đỗ Kinh Trạng Nguyên, Bạch Liêu đỗ Trại Trạng Nguyên… Liêu là người Nghệ An, trí thông minh, nhớ lâu đọc sách liếc mắt là được 10 dòng” (Đại Việt sử ký tiền biên. H.KHXH, 1997, trang 350).
Bạch Liêu người làng Thanh Đàm, nay xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Sau khi đỗ Trại Trạng Nguyên, nhà vua ra chiếu chỉ mới Bạch Liêu vào triều nhận chức quan. Nưng ông đã bái tạ chiếu chỉ và xin nhà vua ở lại quê hương mà không nhận chức: “Xin Bệ hạ rũ lòng thần được ở lại quê hương báo hiếu song thân, thần xin đem tài lược lo giúp việc công ngay trong bản xứ”. (Đại Việt sử ký toàn thư. T2.KHXH, 1993, trang 36).
Nhà vua chuẩn y cho Bạc Liêu ở lại quê và làm môn khách cho Trần Quang Khải. Với cương vị như một quân sư, Bạch Liêu đã giúp Trần Quang Khai vạch ra “Biến pháp tam chương” gồm có 3 vấn đề: Tuyển quân, quân lương, chiến lược chống quân xâm lược Nguyên Mông do Toa Đô chỉ huy tấn công từ phía nam ra. Với sự giúp đỡ của Bạch Liêu, Trần Quang Khải đã chỉ huy quân và dân Xứ Nghệ đáng chặn con đường tiến công của quân Nguyên Mông tại bãi La Nam, huyện Nam Đàn. Năm 1287 Bạch Liêu còn được vua Trần cử tham gia đoàn sứ bộ sang nhà Nguyên.
2. Ba thế hệ nối tiếp nhau đỗ Trạng Nguyên
Hồ Tông Thốc quê ở Kẻ Cuối, nay thuộc xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, sinh năm 1324. Năm lên 17 tuổi (1341) dự thi Đình và đã đậu Trạng Nguyên.
Sự kiện độc đáo này đã được nhiều sử sách ghi chép, trong đó có sách “Nam ông mộng lục” của Hồ Nguyên Trừng làm vào năm 1438 viết: “Hồ Tông Thốc người Diễn Châu (1) thi đỗ từ hồi rất trẻ, rất có tài danh. Mới đầu chưa nổi tiếng lắm. Nhân tiết Nguyên Tiêu có đọa Pháp quan, họ Lê danh để mở tiệc để mới khách văn chương. Hồ Tông Thốc có giấy mới đề thơ. Trong một đêm, ngay trên bàn tiệc làm trăm bài thơ, uống trăm chén riệu, mọi người đều xúm xít thán phục, không ai địch nổi. Từ đó, danh lẫy lừng chốn Kinh đô. Về sau, dùng tài văn học là thơ cho mọi người. Thời Trần Nghệ Vương là quan đến chức Hàn Lâm học sỹ, Thừa chỉ kiêm Thâm hình viên sứ. Thơ và riệu không ngày nào vắng. Tuổi ngoài tám mươi mất tại nhà”.
Con ông là Hồ Tông Đốn đậu Trạng Nguyên. Con ông Hồ Tông Đồn là Hồ Tông Thành, tức cháu Hồ Tông Thốc cũng đậu Trạng Nguyên đời Trần.
Khi Hồ Tông Thành đậu Trạng Nguyên, quan Thám sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải đã có bài thơ nhan đề là “Hạ Hồ Thành trúng Trạng Nguyên” mừng cho sự hiển đạt trong khoa bảng hiếm thấy này.
3. Hai cha con đậu Tiến Sỹ cùng khoa
Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1592) hai cho con Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa, quê ở xã Lý Trai (nay là xã Diễn Kỷ) huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cùng đi thi Hội. Kết quả trên bảng vàng ghi rõ: Ngô Trí Tri đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ, Ngô Trí Hòa đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp), nên người đời gọi là “Nhất môn phụ tử bảng liên đồng” (một nhà cha con đều thi đậu Tiến sĩ cùng khoa). Đây là trường hợp có một không hai trong lịch sử khoa bảng nước ta. Bài văn bia khoa Nhâm Thìn (1592) ở Quốc Tử Giám ghi rõ “… Học trò, dân chúng chốn kinh kỳ xúm xít đi xem. Ai nấy đều lấy là sung sướng được trông thấy cảnh thái bình duới triều vua Thánh, có cha con cũng đỗ một khoa, thật là thịnh hội văn minh vậy”.
Vua Lê Thế Tông tặng bức trướng có 10 chữ vàng cho hai cho con vinh quy bái tổ: “Khoa danh thiên hạ hữu, phụ tử thế gian vô” (Đậu đại khoa trong nước có nhiều người, nhưng cha con cùng đậu một khoa thì chưa thấy bao giờ).
Ngô Trí Tri làm qua đến Giám sát Ngự sử, Lễ bộ Tả thị lang, tước Khánh Diên bá. Ngô Trí Hòa được cử làm Chánh sứ sang triều Minh có còn thuyết phục vua Minh bỏ lệ cống người vàng thay bằng vật phẩm khác. Ông được thăng Thượng thư bộ Hộ kiêm Tề tửu Quốc tử giám và trông coi phủ chúa, lại thăng Thiếu bảo, tước Phú Xuân hầu, khi mất được tặng Xuân quận công.
4. Hai người cùng tổng đậu đầu cùng một khoa thi Hội:
Nguyễn Đức Đạt (1824-1887) quê làng Hoành Sơn(nay là xã Khánh Sơn), Nguyễn văn Giao (1812-1864) quê ở làng Trung Cần (nay là xã Nam Trung Cần. Làng Hoành Sơn và Trung Cần đều thuộc tổng Nam Kim, huyện Nam Đàn, cùng ở trên hữu ngạn sông Lam, cách nhau khoảng 3 km).
Hai người cùng dự khoa thi Hội năm Quý Sửu (1853) và cùng đậu đầu (Đệ nhất giáp đệ tam danh). Lúc đó, Nguyễn Đức Đạt mới chỉ 29 tuổi, Nguyễn Văn Giao đã 42 tuổi. Vua Tự Đức xếp Nguyễn Đức Đạt Thám Nhất, Nguyễn Văn Giao Thám Nhì.
Sau khi vinh quy bái tổ, Nguyễn Đức Đạt đến chơi nhà Nguyễn Văn Giao. Đang mùa hè, thấy nhà Nguyễn Văn Giao chỗ nào cũng có đậu, Nguyễn Đức Đạt liền đọc một lỉa câu đối:
“Trong nhà đậu, ngoài sân đậu, cha thi đậu, con học đậu, thi vân đa đậu thư chi vi dã”.
Nguyễn Văn Giao nhìn ngoài sân, thấy hàng dâm bụt đang nở hoa, liền đối:
“Trên cấy hoa, dưới gốc hoa, bác vinh hoa, tôi Thám hoa, thi viết: trùng hoa bất diệc nghi hồ”.
5. Một mình một bảng, danh dự thế gian chưa từng có
Phan Bội Châu tên hồi nhỏ gọi là Phan Văn San. Phan Văn San thông minh, học giỏi, nổi tiếng là “thần đồng đất Vạn An”. Năm 18 tuổi đậu Đầu xứ nên nhân dân gọi là Đầu xứ San và có tên trong “từ hổ Nam Đàn”. Nhưng sau đó, dự thi Hương hỏng ba bốn khoa liền. Khoa thi Hương năm Đinh Dậu (1897), Phan Văn San dự thi Hương ở trường thi Nghệ An. Đệ nhất trường, Phan làm bảy bài kinh nghĩa, đều được ưu và bình. Qua đệ nhị trường, trong khi San đang chăm chú làm bài, thì có một thí sinh gần đó đến nhờ Phan giúp đỡ gỡ bí bài làm. Vừa lúc đó, lính đi tuần phóng các lều, thí sinh nọ hoảng hốt bỏ chạy, vứt tập tài liệu “chữ kiến” (viết chữ nhỏ các tài liệu cần thiết để dễ mang vào trong trường thi) vào bên cạnh lều của Phan. Thế là Phan bị kết án “hoài hiệp văn tự, chung thân bất đắc ứng thí” (mang tài liệu cấm vào trong trường thi, suốt đời bị cấm thi).
Bị án oan, không thể thanh minh được. Phan đã đi vào kinh đô dạy học tại nhà ông Võ Bá Hạp ở của An Hòa. Một thời gian sau, Phan được các quan đại thần biết tiếng, lại được Tề tựu Quốc từ giám Kiếu Năng Tĩnh giúp đỡ, tâu lên vua Thành Thái án oan của Phan, được nhà vua đạo dụ xóa án. Phan Văn San đổi tên thành Phan Bội Châu trở về dự khoa thi Hương Canh Tý ở trường Nghệ. Khiếu Năng Tĩnh từ kinh đô Huế ra Vinh là Chánh chủ khảo. Bài thi của Phan Bội Châu được 20 điểm ưu và bình, không có điểm thứ, được đậu Giải Nguyên.
Quan tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn đã bàn với quan Cánh chủ khảo Kiếu Năng Tĩnh cho biết tên Phan Bội Châu đứng riêng một bảng và tặng cậu đối:
Song tải tam nguyên thiên hạ hữu
Độc danh nhất bảng thế gian vô”
(hai năm, ba lần đậu đầu, thiên hạ đã có. Một mình, một bảng danh dự thế gian chưa từng)
Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng ca ngợi Phan Bội Châu: “Bảng một tên lừng lẫy khắp làng văn”.
6. Tám mươi hai tuổi, vẫn lều chõng dự thi
Đoàn Từ Quang (1819-1928) người làng Phụng Công, nay thuộc xã Đức Hòa và Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông mồ côi cha từ lúc mới lọt lòng mẹ. Mẹ ông lúc đó mới 17 tuổi đã chấp nhận cuộc sống cô quả, ở vậy nuôi con trưởng thành. Trước tình cảnh tất tả vì con của người mẹ, Đoàn Tử Quang dốc chí học hành mong sớm đỗ đạt để báo đáp công ơn đấng sinh thành. Nhưng trải qua hành chục lần thi Hương ông cũng chỉ đậu hai lần tú tài vào năm 49 và 60 tuổi. Cho đến khoa thi Hương Canh Tý (1900), mặc dầu tuổi đã 82, vợ lại mới mất mấy tháng nhưng không nỡ phụ lòng mong mỏi ngày đêm của mẹ già đã gần 100 tuổi, nên ông đẫ lên đường ra Vinh ứng thí.
Kết quả Đoàn Tử Quang đã đậu Cử nhân thứ áp chót (29/30). Nhưng Cánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh nâng lên thứ 21 (21/30). Phan Bội Châu người đậu Giải Nguyên khoa này cũng có thơ chức mừng:
“Đoàn Tử Quang xuân thu bát thập nhị,
Đương Hoàng triều Canh Tý chi niên.
Trên Cửu trùng có chiếu cầu hiền,
Già lọm khọm đề tên ứng thí.
Từ trường Nhất rồi sang trường Nhị,
Qua trường Tam, văn lý đủ ưu, bình.
Chờ đến ngày treo bảng xướng danh
Thứ hai một rành rành trong Hương Giải…”
Sau khi đậu Cứ nhân, Đoàn Tử Quang được bổ làm giáo thụ huyện Hương Sơn, rồi Can Lộc. Năm 85 tuổi ông xin cáo quan, vè quê phụng dưỡng mẹ già. Năm 1919, đạt tuổi thọ thứ 100 được triều đình ban biển “Thọ quan”. Năm 1924, đạt tuổi thọ 105 tuổi lại được triều đình phong hàm “Hàn lâm viên thị độc”. Sau lễ mừng thọ thứ 110 tuổi, ngày 7/2/ Mậu Thìn (1928), ông qua đời nhẹ nhàng như một giấc ngủ thường ngày. Với tuổi thọ 3 con số, Đoàn Tử Quang sống suốt 13 triều vua Nguyễn, từ ông vua đầu tiên là Gia Long đến ông vua cuối cùng là Bảo Đại, đã để lại một tấm gương về đạo học, đạo hiếu sáng ngời cho hậu thế.
7. Không chờ dân làng lên rước lễ vinh quy, sáng tinh mơ đã đi bộ về quê
Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929), quê ở làng Kim Liên, xã Chung Cự nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm ông 31 tuổi (1894) đậu Cử nhân, năm 38 tuổi (1901) trong cảnh ngộ vợ mới mất, có bốn đứa con, không kế sinh nhai, nhưng đã gửi con cho mẹ vợ (Nguyễn Thị Kép) quyết tâm vào kinh đô Huế dự kỳ thi Hội khoa Tân Sửu.
Khoa này, trên bảng vàng chỉ có tên 22 người, trong đó: có 9 tiến sĩ và 13 phó bảng, trong đó riêng huyện Nam Đàn đẫ có 3 người đậu Hội là Tiến sĩ Nguyễn Đình Điển ở làng Xuân Hồ, Phó bảng Nguyễn Xuân Thường ở làng Dương Liễu và Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở làng Kim Liên.
Sau khi dự lễ chúc mừng của tổng đốc Đào Tấn ở Hành cung, các vị tân khoa chờ dân làng của mình lên tận dinh Tổng đốc làm lễ rước vinh quy bái tổ. Sáng tinh mơ ngày hôm sau, Nguyễn Sinh Sắc đã một mình đi bộ về làng, không chờ dân xã lên đón rước. Khi ông về đến cầu Hữu Biệt cách nhà 4 km, gặp dân xã Chung Cự mang vọng, lọng, cờ, trống trên đường xuống vinh rước Phó bảng tân khoa về làng. Gặp ông giữa đường, nhân dân vô cùng mừng rỡ liên trương lọng, tung cờ, nổi trống, giăng võng mới ông nằm lên để nhân dân được rước lễ vinh quy.
Ông lại thưa: “Tôi đậu chẳng có ích gì cho bà con làng xóm mà phải đón rước”. Dân làng cùng thưa: “Từ xưa đến nay xã Chung Cự ta đẫ có 193 người đậu đạt, nay mới chỉ có ông mới đậu Đại khoa làm vể vang cho làng, xã xin được rước lễ vinh quy bái tổ cho thỏa lòng mong ước bấy lâu nay”.
Ông Nguyễn Sinh Sắc một mực từ chối, dân xã đành phải lặng trống, xếp võng, xếp lọng cùng Phó bảng tân khoa đi bộ về làng.
Xã Chung Cự trích 20 quan tiền và ruộng thánh để ông làm lễ ăn mừng. Ông từ chối nhưng vì lệ làng, buộc ông phải nhận. ông lấy lý do đang có tang vợ, không tổ chức ăn mừng, chỉ nhận 10 quan mua trầu nước mới dân làng, số còn lại ông đem chi cho người nghèo trong làng làm vốn, nâng cao mức sống.
Sau khi ông mất (27/10/ Kỷ Tỵ-1929) để nhớ ơn ông, cả làng đã quyết định chuyển ngày lễ Thường Tân (cúng cơm mới) ngày 15/10/âm lịch sang ngày 27/10/ âm lịch để cả làng cúng giỗ ông.
8. Ngôi nhà của cha mẹ là nơi ưng ý hơn cả
Đoàn văn Tụ (1877-1958), người làng Trù Phúc, nay thuộc xã Lạc Sơn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, mô côi cha từ bé, phải đi ở chăn trâu cho một nhà giàu trong làng. Chỉ học lỏm thầy đồ làm gia sư cho con chủ nhà, mà sự hiểu biết về chữ nghĩa của thánh hiền đã tỏa sáng.
Đoàn Văn Tụ vượt khó, quyết tâm học tập, dự thi Hương đã đậu Tú tài.
Làng Trù Phúc trước đó chẳng có ai đậu đạt gì, nên dân gian có câu:
“Ba năm mở một khoa thi
Học trò Trù Phúc đừng đi tốn tiền”
Cho nên, hiện tượng Đoàn văn Tụ đỗ tú tài là một vinh hạnh chưa hề có. Làng long trọng làm lễ rước ông về, mở hội ăn mừng lớn. Đặc biệt làng quyết định tặng ông một ngôi nhà trong làng Trù Phúc tùy ý ông chọn, bất cứ ngôi nhà nào có giá trị vật chất cao đến mấy, làng cũng thương lượng để toại ý ông.
Làng ép ông nằm lên võng điều, rước ông đi kắp làng để chọn, người bảo ông nên lấy ngôi nhà đẹp, thế đất có vượng khí, người bảo nên lấy ngôi nhà khia rộng rãi mát mẻ có vườn cây xanh tốt, hoa trái xum xuê quanh năm, ngoảng mặt ra đường cái quan. Nhưng ông chẳng ưng một ngôi nhà nào cả. Khi võng đưa ông đến cổng ngôi nhà mẹ ông đang ở, ông bảo dừng lại, chỉ vào túp lều tranh và nói rằng: “Xin làng cho tôi ngôi nhà này”.
Ôi! Ngôi nhà của cha mẹ gắn bó với lòng hiếu hạnh của ông Tú trẻ, nơi bố đã ra đi, nơi người mẹ đã vất vả vươn lên trong cuộc sống. nay được vinh hiển, làm sao nỡ bỏ được tổ ấm đơn sơ đầy kỷ niệm sâu sắc của tuổi thơ, đậm đà cuội nguồn văn hóa này.
Nhân dân trong làng cảm động, hiểu thấu tấm lòng vàng hiếm có nên đã cùng nhau góp công, của dụng cho ông ngôi nhà ba gian khang trang và ông đã ở đó trọn đời.
Ngoài những hiện tượng độc đáo kể trên, ở Nghệ An còn có những hiện tượng đáng tự hào mang tính truyền thống như dòng họ Hồ nổi tiếng khoa bảng với 19 Tiến sĩ, trong đó có 3 Trạng Nguyên, 3 Hoàng giáp; Dòng họ Ngô ở Lý Trai 4 đời liên tiếp đậu 5 Tiến sĩ; Dòng họ Đinh ở Kim Khê 3 đời Tiến sĩ, 2 lần bị tru di tam tộc vẫn tồn tại và phát triển; Donhf họ Nguyễn ở Trung Cần “Tam thế ngũ ngũ hoàng hoa”; Dòng họ Nguyễn Đức ở Hoành Sơn một hế hệ 2 Đình Nguyên Tiến sĩ; Dòng họ Đặng ở Nho Lâm, 3 cha con đậu đại khoa, 2 anh em đậu đồng khoa; Dòng họ Lê ở Quan Trung, 2 cha con đậu tiến sĩ làm qua Thượng thư đồng triều…
Tất cả đã tạo nên trầm tích văn hóa, tạo thành bề dày truyền thống hiếu học, rèn đúc nhân tài đáng tự hào của Xứ Nghệ thân yêu./.
_____________________________________________________________
(1) Lúc đó Diễn Châu gồm có Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và một phần Nghĩa Đàn bây giờ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phút Tưởng Niệm Các Anh Hùng Liệt Sỹ


Tin Nóng An Ninh Hình Sự

Thông Tin Giải Trí Ấn Tượng

Cười Xả Láng