Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ

http://btxvnt.org.vn/cms/?m=29&act=view&id=313
Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ nằm ở trung tâm làng Tú Viên, Tổng Xuân Lâm nay là xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Di tích cách thành phố Vinh 26 km về hướng Đông. Từ thành phố Vinh, theo đường quốc lộ 46, đến km 28 rẽ hướng Tây Nam, theo đường Nguyễn Sỹ Sách khoảng 15 km là đến nhà thờ họ Nguyễn Sỹ.

Từ xưa, xã Thanh Lương đã có truyền thống yêu nước và khoa bảng. Trong xã có 6 dòng họ: Nguyễn Sỹ, Nguyễn Trí, Nguyễn Trọng, Nguyễn Đình, Nguyễn Công và Phan Văn, họ Nguyễn Sỹ nổi tiếng nhất. Về khoa cử có Phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn, Tiến sỹ Nguyễn Đình Điển, Cử nhân Nguyễn Sỹ Lạng…Anh hùng hào kiệt có danh tướng Nguyễn Sỹ Xung, Nguyễn Sỹ Quyển, Nguyễn Sỹ Biểu.

Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ gắn liền với những nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biểu. Theo gia phả họ Nguyễn Sỹ để lại đã có nhiều người tham gia phong trào yêu nước và đóng góp công sức xây dưng quê hương, đất nước.

- Danh tướng Nguyễn Sỹ Xung. Dưới triều vua Lê Hiển Tông ( Cảnh Hưng 1740-1788 ), ông đã tham gia 18 năm trong quân đội thời Hậu Lê ( 1762- 1780 ). Nguyễn Sỹ Xung là bậc trung quân ái quốc giữ chức “ Tráng tiết tướng quân phó Thiên hộ chức”. Nguyễn Sỹ Xung được vua Lê Hiển Tông phong hai đạo sắc năm Mậu Ngọ ( 1784). Năm 1787, khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc, trên đường đi qua Nghệ An dừng lại để chiêu mộ thêm binh tướng, ông được Quang Trung chọn làm ưu binh cận thần. Con em làng Tú Viên, Xuân Bảng, Xuân Đường, Xuân Trường, Võ Liệt…đi theo Nguyễn Sỹ Xung.tham gia rất đông vào đội quân của Quang Trung. Ông góp phần cùng Nguyễn Huệ vạch ra chiến thuật hành quân thần tốc từ Phù Thạch ra Ngọc Hồi: cứ 3 người một võng, 1 người nằm trên 2 người khiêng, khi mệt thì thay phiên nhau. Sau trận đại thắng Tết Kỷ Dậu, ông được vua Quang Trung thưởng 2 đạo sắc và phong chức “Trung công tiết chế”.

- Nguyễn Sỹ Quyển, con trai Nguyễn Sỹ Xung cũng tham gia nghĩa quân với cha và được giữ chức “ Biền binh thư lại”.

- Nguyễn Sỹ Biểu, em trai Nguyễn Sỹ Xung là người thông minh, giỏi võ, có tinh thần quả cảm luôn được mọi người kính nể. Ông được chọn làm Tổng hội Hội trưởng dưới thời vua Minh Mạng. Năm Minh Mạng thứ 15, Nguyễn Sỹ Biểu được vua ban Đạo sắc vì có công “dẹp bọn cướp bóc ức hiếp nhân dân”.

Qua các kỳ thi, dòng họ Nguyễn Sỹ đều có người đỗ đạt cao:
- Nguyễn Sỹ Lạng (tức Nguyễn Thúc Hằng) đậu Cử nhân khoa Canh Ngọ 1870, không ra làm quan mà về quê mở lớp dạy học tại nhà thờ, học trò theo học rất đông. Khoảng năm 1888-1889, cụ Lạng xuống làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn dạy học. Phan Bội Châu cũng là một trong rất nhiều học trò của cụ, Sau khi Phan Bội Châu đỗ đầu thi Hương- Giải Nguyên đã lên Thanh Chương tìm bạn đồng khoa và đến nhà thờ họ Nguyễn Sỹ thắp hương, tặng bức trướng để cảm tạ thầy Lạng.

- Nguyễn Sỹ Ấn đậu Phó bảng khoa Giáp Thìn 1844. Năm 1846, triều đình nhà Nguyễn mời ông vào kinh đô Huế làm Hàn lâm viện Kiểm khảo. Liên tiếp thời gian sau này, ông làm Tri huyện kim Thành, Bố Trạch Quảng Bình, phúc khảo trường Hà Nội, Tri phủ Kiến Thuỵ tỉnh Thái Bình. Năm Nhâm Tý 1852, Nguyễn Sỹ Ấn được mời về kinh đô làm Thị giảng Hàn lâm Viện. Tại đây ông gặp Nguyễn Sinh Sắc và đã giúp đỡ gia đình ông Sắc bà Loan ổn định chỗ ăn ở. Sau khi đậu Phó bảng, Nguyễn Sinh Sắc hành hương về quê. Ông cùng hai con Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung lên nhà thờ họ Nguyễn Sỹ hai lần để thắp hương cảm tạ thầy Nguyễn Sỹ Ấn, tặng nhà thờ 2 câu đối và cũng là dịp tìm hiểu, trao đổi với các sỹ phu về thời cuộc.

- Nguyễn Đình Điển đỗ Tam giáp Tiến sỹ khoa thi Hội năm 1901 ở làng Xuân Hồ, Nam Đàn là con rể của cụ Nguyễn Sỹ Ấn.
Khi phong trào Văn Thân bùng nổ, Thanh Chương là nơi khởi đầu do Trần Tấn và Đặng Như Mai lãnh đạo. Nhà thờ là điểm hội tụ của giới sỹ phu trong tổng và huyện bàn việc cứu nước. Trong một cuộc họp, họ đã bàn kế hoạch rào làng để chặn bước tiến quân giặc, bảo vệ nghĩa quân của Trần Tấn và Đặng Như Mai. Nhân dân địa phương còn đóng góp nhiều tiền, gạo và nuôi dấu bảo vệ nghĩa quân.

Hưởng ứng phong trào Cần Vương của cụ Phan Đình Phùng, ở Thanh Chương có nhiều sỹ phu yêu nước tham gia tích cực như Bùi Văn Huân, Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Sỹ Lạng, Nguyễn Sỹ Vơn, Văn Đinh Nịu… Nguyễn Sỹ Vơn là đời thứ 8 của họ Nguyễn Sỹ vốn nổi tiếng giỏi võ và phi ngựa. Ông đã chiến đấu anh dũng chống quân Pháp tại Lạch Quèn, Cửa Hội và bị thương nặng, về đến núi Mượu thì chết. Lúc đó, Nguyễn Sỹ Vơn mới 26 tuổi.

- Nhà thờ là nơi gắn bó với cuộc đời của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, một cán bộ tiền bối kiên trung của Đảng.
Nguyễn Sỹ Sách sinh năm 1905 là cháu đời thứ 10 của dòng họ Nguyễn Sỹ. Thân sinh anh là Nguyễn Sỹ Giản, một nhà nho nghèo, tính tình cương trực, khảng khái. Ông đã hai lần đi thi Hương chỉ đỗ Tú tài, ở nhà mở trường dạy học. Năm 17 tuổi Nguyễn Sỹ Sách đỗ bằng Thành chung, khoá đầu tiên trường Quốc học Vinh cùng với Tôn Quang phiệt và Đặng Thai Mai. Vua Bảo Đại có mời vào Huế làm quan nhưng anh không nhận. Dạy ở Quốc học Vinh được một năm, Nguyễn Sỹ Sách được bổ vào dạy tại trường Tiểu học Pháp- Việt Hà Tĩnh. Tại đây, anh đã tham gia tích cực những hoạt động yêu nước. Năm 1925, Nguyễn Sỹ Sách cùng với Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Lê Huân thành lập Hội Phục Việt- một tổ chức cách mạng của trí thức yêu nước. Dò la được những hoạt động của anh trong trường, nhiều lần đốc học và công sứ cho gọi lên vừa dụ dỗ, vừa trấn áp. Năm 1926, Nguyễn Sỹ Sách về quê bắt liên lạc với cụ Đốc Tám, đứng ra thành lập Hội “Khuyến học”. Các lớp học trong làng và tại nhà thờ là nơi Nguyễn Sỹ Sách tuyên truyền thơ ca cách mạng, sách báo báo bí mật với đông đảo học sinh, thanh niên trong vùng.

Năm 1927, Nguyễn Sỹ Sách được Hội Hưng Nam cử sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp huấn luyện chính trị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sau khi về nước, Nguyễn Sỹ Sách được cử làm Bí thư Kỳ bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ( VNTNCMĐCH ). Tháng 5/1929, đồng chí dẫn đầu đoàn đại biểu của tổ chức VNTNCMĐCH Trung Kỳ sang Hương Cảng dự Đại hội Tổng bộ. Đồng chí được bầu là Uỷ viên BCH Tổng hội đặc trách công tác trong nước.Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, nhiều Chi bộ cộng sản ra đời và hoạt động mạnh bên cạnh Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh. Ngày 21-7-1929, đồng chí bị địch bắt, kết án và đưa vào giam tại Lao Bảo. Ở Lao Bảo, Nguyễn Sỹ Sách đã lãnh đạo anh em tù chính trị đấu tranh phản đối chính sách dã man của thực dân Pháp. Trong một cuộc xô xát với tên Công Bơ, Nguyễn Sỹ Sách dùng chiếc chiếu quất vào mặt hắn. Ngay lập tức, bọn tay sai đã bắn chết đồng chí lúc 17 giờ, ngày 19-12-1929. Nguyễn Sỹ Sách hy sinh anh dũng đã trở thành tấm gương và dấy lên tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của anh em trong tù cũng như các đồng chí của tổ chức Tổng bộ VNTNCMĐCH.

Trong cao trào cách mạng 1930-1931, nhà thờ họ Nguyễn Sỹ là nơi hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu của Đảng
Tháng 9 năm 1930, tại đây, dưới sự chỉ đạo của các đồng chí cán bộ Tỉnh uỷ Nghệ An: Nguyễn Tiềm, Đặng Chánh Kỷ, Nguyễn Hữu Bình và các đồng chí: Tôn Gia Tinh, Tôn Thị Quế, Nguyễn Sỹ Đức, Nguyễn Đình Thốc đại diện cho Huyện uỷ Thanh Chương, Tổng uỷ Xuân Lâm tiến hành Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Quang Trung- Chi bộ ghép của Tú Viên với nửa làng Xuân Bảng và nửa làng Xuân Dương, do đồng chí Nguyễn Sỹ Tâm làm Bí thư.

Sau khi Chi bộ ra đời, các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, tự vệ đỏ, thanh niên, Hội ái hữu tương tế.. cũng lần lượt được thành lập.

Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ là nơi Huyện uỷ, Tổng uỷ Xuân Lâm làm việc từ tháng 9 năm 1930 đến tháng 1 năm 1931 để chỉ đạo phong trào Xô Viết vùng Hạ Thanh Chương. Ngày 25/8/1930, Huyện uỷ họp bàn quyết định tổ chức một cuộc biểu tình qui mô rộng lớn toàn huyện vào ngày 1/9/1930. Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình, bộ phận ấn loát chuyển về nhà thờ in ấn truyền đơn, tài liệu. Hàng trăm tờ truyền đơn, báo Nhà Quê, báo Tiến Lên, Chỉ thị, Nghị quyết được in ra và chuyển đi cơ sở trong huyện Thanh Chương, Nam Đàn. Tối 1- 9- 1930, Huyện uỷ cùng với các Chi bộ Đảng trong Tổng Xuân Lâm họp tại nhà thờ bàn việc tổ chức truy điệu liệt sỹ Nguyễn Công Thường, người hy sinh anh dũng trong cuộc biểu tình toàn huyện.

Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ là nơi các đồng chí Nguyễn Tiềm- Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, Lê Xuân Đào- Uỷ viên Xứ uỷ Trung Kỳ, Đặng Chánh Kỷ, Tôn Gia Chung, Tôn Thị Quế, Tôn Gia Tinh, Võ Thúc Đồng…những cán bộ của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về đây trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh ở vùng hạ Thanh Chương. Trong thời gian đó, con cháu và nhiều gia đình họ Nguyễn Sỹ đã canh gác cho tổ ấn loát làm việc, cất dấu tài liệu, phục vụ, nuôi dấu cán bộ cách mạng. Khi chính quyền Xô Viết ra đời ở các thôn xóm, nhà thờ Nguyễn Sỹ là nơi học chữ Quốc ngữ cho nhân dân trong vùng.

Năm 1930- 1931,dòng họ Nguyễn Sỹ có 17 đảng viên, 10 liệt sỹ, 19 người bị bắt giam, 6 gia đình được cấp Bằng Có công với Nước.

Trong thời kỳ chống mỹ cứu nước, nhà Hạ đường là kho lương thực, kho nông sản của tỉnh nghệ An.
Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ được dòng họ lập nên để thờ các vị Tiên Tổ có công với nước với dân. Theo phong tục xưa, hàng năm tại nhà thờ tổ chức lễ Đại được vào Rằm tháng Giêng và lễ Rằm vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch; ngày 27-7, các tổ chức của huyện và xã thường đến nhà thờ thắp hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách.

Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ được xây dựng năm 1600, diện tích khuôn viên là 580 m2; gồm có : cổng, 2 nhà Thượng đường và Hạ đường, sân.
- Cổng nhà thờ cao 4m, trên đỉnh cột cổng có đắp 2 con ghê.
- Nhà Hạ đường có 3 gian, 2 hồi, kiến trúc kiểu tứ trụ tam oai. Các đuôi kèo trạm trổ hoa lá cành, các hạ xà kiến trúc kiểu vỏ măng chỉ kềm và trạm hình triệu long. Nhà Hạ có chiều cao từ nóc xuống mặt nền là 4,2m; chiều dài 9,2m, rộng 6,6m. Nhà có 14 cột; cột lớn nhất cao 3,7m, đường kính 0,25m; chân cột kê bằng đá xanh được tạo theo khối vuông, rãnh tròn, kích thước là 0,3m x 0,3m x 0,12m. Nhà Hạ có 12 cánh cửa bàn khoa, lợp ngói vảy, trên đỉnh nóc có đắp hình lưỡng long triều nguyệt.
Kết cấu dọc : 1,03- 2,33- 2,55- 2,33- 1,03.
Kết cấu ngang : 1,15- 1,20- 1,92- 1,20- 1,15.

Bài trí nội thất : giữa nhà treo 2 bức cuốn thư, 2 cột treo câu đối của Tiến sỹ Nguyễn Đình Điển và của cụ Cử Lạng. Gian giữa có 2 yến thư, một bộ phản nơi các sỹ phu văn thân Cần Vương gặp gỡ luận đàm việc nước. Hai gian bên có 2 yến thư, một lá cờ Đảng ( năm 1986 không còn do cờ bị mục nát ), 1 chiêng, 2 trống ( năm 1930-1931, chiêng, trống được dùng trong các cuộc biểu tình ).

Nhà Thượng đường có 3 gian, chiều cao từ nóc xuống mặt nền là 4m, chiều dài nhà 7m, rộng 6m. Mái lợp ngói vảy, kiến trúc kiểu tứ trụ tam oai, kẻ xông chồng đấu, trạm trổ hoa lá ở các đường hạ và các chồng đấu với đường nét sắc sảo, trên đỉnh nóc có hình lưỡng long triều nguyệt. Tất cả gỗ làm nhà thờ bằng gỗ lim ròng, xung quanh xây đá ong, trét vôi hàu. Nhà có 8 cánh cửa bàn khoa và ván dật; 18 cột, cột lớn cao 2,7m, đường kính 0,22m; chân chân cột kê bằng đá hình tròn vân núi, đường kính 0,04m, cao 0,02m.

Kết cấu dọc nhà Thượng đường : 1,95m- 2,5m- 1,95m.
Kết cấu ngang nhà Thượng đường : 1m- 1m- 1,75m- 1m- 1m.
Bài trí nội thất : Gian giữa treo cuốn thư, hoành phi và bức đại tự. Bức hoành phi của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tặng nhà thờ có nội dung “ Thi thư thạch”, nghĩa là ca ngợi truyền thống học hành thi cử của dòng họ Nguyễn Sỹ.

Gian giữa có bệ thờ ba bậc. Bậc thứ nhất ( trên cùng ) để tủ gỗ sơn son thiếp vàng, trạm hình lưỡng long triều nguyệt. Tủ đựng 5 đạo sắc vua ban, đã từng cất dấu hàng trăm tờ truyền đơn, báo chí, nghị quyết của Đảng trong thời gian Tổng uỷ Xuân Lâm và tổ ấn loát làm việc tại đây.

Bậc thứ hai bài trí mâm gỗ cổ bồng, mâm chè.
Bậc thứ ba có : 1 mâm gỗ cổ bồng sơn son thiếp vàng để mũ của danh tướng “ Trung quân tiết chế” Nguyễn Sỹ Xung, 2 mâm chè, 1 giá gương sơn son thiếp vàng để bài cúng, 1 yến thư, 2 cọc đèn sáp, 1 lư hương, 2 lọ hoa.

Gian phía tả và phía hữu đều có bàn thờ xây bằng đá 3 tầng để linh toạ sơn son thiếp vàng và các mục chủ ghi tên tuổi sự nghiệp của từng cụ, trong đó có đ/c Nguyễn Sỹ Sách; có 2 yến thư. Trước hiên nhà Thượng đường có 2 cột quyết, trang trí hình tứ phượng ngũ lâu và hai câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc tạ ơn thầy Phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn.

- Sân nằm giữa Thượng đường và Hạ đường, rộng 2,6m , có bể cạn xây bằng đá xanh để đựng nước cúng.

Với những giá trị lịch sử, khoa học, nhất là nơi ghi dấu những sự kiện phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, nhà thờ họ Nguyễn Sỹ được Bộ VHTT cấp bằng di tích Quốc gia, Quyết định số 985, ngày7/5/1997.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phút Tưởng Niệm Các Anh Hùng Liệt Sỹ


Tin Nóng An Ninh Hình Sự

Thông Tin Giải Trí Ấn Tượng

Cười Xả Láng