Nhớ lắm hương vị tương Nam Đàn

Nhớ lắm hương vị tương Nam Đàn


Cũng giống như mắm - một món ăn làm ấm lòng những người con miền Nam mỗi khi tha hương, tương đem lại cho người ăn một cảm giác thân thuộc đến khó tả mỗi khi nếm thử. Đối với người dân miền Trung, từ lâu vị tương Nam Đàn đã trở thành nhất phẩm, song hành với tương Bần (Hưng Yên) và tương Cự Đà (Hà Tây).
 Vào những ngày ăn chay đầu tháng, ai cũng băn khoăn vì không biết nên chuẩn bị món ăn nào để tạo cảm giác ngon miệng mà lại không phải tốn nhiều thời gian. Riêng tôi lại nhớ đến món ăn đạm bạc nhưng lại ngon miệng mà một người phụ nữ miền Trung đã mang ra đãi khách trong lần gặp nhau ấy. Tương Nam Đàn – món ăn bình dân, đạm bạc nhưng cũng lắm công phu và đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người chế biến.




Thời hiện đại, mọi thứ cũng hiện đại hóa theo. Và công thức làm tương Nam Đàn cũng thay đổi dần theo thời gian. Dù đã gửi gắm bao nhiêu người, đã dặn dò kỹ lưỡng đến mức nào đi nữa, tôi cũng không tài nào mua được lọ tương Nam Đàn đúng khẩu vị và ngon như vị tương đã từng ăn trước đây.
Một vại tương ngon, đúng hương vị đặc trưng của tương Nam Đàn thường có ba lớp, với đậu nổi lên ở trên cùng, ở giữa là nước và dưới cùng là mốc. Cũng giống như mắm, người ta thường làm tương để dành ăn dần vì tương có thể để rất lâu mà không sợ hư.
Người Nam Đàn thường ăn cơm với tương thay cho thức ăn. Họ dùng tương làm nước chấm cho các món luộc như rau lang, rau muống, cà hay thịt luộc, thậm chí chỉ ăn tương không cùng với cơm nóng (món này mình ăn rồi nè, vét hết nồi cơm rồi mà vẫn còn thòm thèm



). Những người phụ nữ khéo tay còn chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn khác từ tương như thịt hay cá đồng kho tương chẳng hạn.
Những người lớn tuổi kể lại rằng, hầu như người dân Nam Đàn nào cũng biết làm tương. Đây là món ăn truyền thống của người dân xứ sở này. Ngoài việc làm tương để ăn, người Nam Đàn rất thích làm tương để biếu bạn bè và họ hàng. Tuy nhiên, dù nhiều người làm và làm rất thường xuyên nhưng không phải ai cũng có thể làm ra được vại tương ngon vì ngoài công thức chung, người làm tương còn phải có bí quyết riêng. Độ ngon của tương phụ thuộc rất nhiều vào sự thành thạo và tỉ mỉ của người chế biến. Có người còn cho rằng độ ngon của tương còn tỷ lệ thuận với số tuổi của người làm ra nó. Nghĩa là, những người càng lớn tuổi càng có nhiều kinh nghiệm nên làm tương ngon hơn.




Tương Nam Đàn đúng chuẩn thường vàng sánh như mật ong, những mảnh đậu lơ lửng trong nước tương đặc quánh, thơm và ngọt lịm.
Nếu lần đầu thưởng thức món ăn dân dã này, hẳn bạn cũng sẽ giống như tôi, cảm thấy khó chịu vì vị mặn và chát của tương cứ đọng lại trong cổ họng. Song, khi đã quen, nhất là ăn tương với rau lang luộc, bạn sẽ cảm nhận thấy được hương vị thơm ngon và ngọt ngào của món ăn này. Nhớ lần ấy, tôi đã ăn rất nhiều cơm rồi mà vẫn không thấy no (đừng nghĩ là tôi đói nên thấy ăn gì cũng cảm thấy ngon đấy nhé!



smiley
smiley
).
Với dải đất miền Trung quanh năm nắng gió, tương Nam Đàn tuy không phải là cao lương mỹ vị nhưng đã trở nên thân thuộc và gắn bó từ bao đời nay. Món ăn dân dã này hẳn đã làm ấm lòng những ai một lần nếm thử và đánh thức vị giác của không ít du khách có dịp ghé qua vùng đất này.
Hẳn không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa, ông bà ta đã ví von vị ngon của tương nơi đây với câu “ Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”, hay câu ca dao đi vào lòng người xa xứ:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương...”
Hãy thưởng thức hương vị độc đáo và mang đậm chất đồng quê của món ăn này một lần để thấm thía sự hòa quyện nghĩa tình của người dân vùng đất này bạn nhé!
TP.HCM, ngày 6.6.2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phút Tưởng Niệm Các Anh Hùng Liệt Sỹ


Tin Nóng An Ninh Hình Sự

Thông Tin Giải Trí Ấn Tượng

Cười Xả Láng